ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TRONG TÌNH HÌNH HỘI NHẬP VÀ DỊCH BỆNH KÉO DÀI TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG PHÚ THỌ
Updated: 24/03/2022 Visited: 2593

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TRONG TÌNH HÌNH HỘI NHẬP VÀ DỊCH BỆNH KÉO DÀI TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG PHÚ THỌ

Trong thời gian qua, có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến thị trường lao động nói chung như sự thay đổi cơ cấu dân số, việc tái cấu trúc nền kinh tế, việc điều chỉnh chính sách công, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, tiến trình toàn cầu hóa, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức lớn đối với Việt Nam. Những yếu tố nói trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập và tình hình dịch bệnh kéo dài.


ThS. Nguyễn Đăng Toàn - Hiệu trưởng Trường CĐ Công Thương Phú Thọ


1. Hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức đối với đào tạo nguồn nhân lực.

Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực và trên thế giới. Việc tham gia ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực trên thế giới kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài hơn nhờ sẵn có của một khối nguồn lực toàn diện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại, tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn sẽ được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới cũng đặt ra những thách thức lớn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực. Khi hội nhập kinh tế rộng mở với thế giới, sẽ xẩy ra việc tự do luân chuyển lao động lành nghề. Các chuyên gia cho rằng, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước khác vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Quá trình hội nhập kinh tế cũng dẫn tới đội ngũ nhân lực của nước ta phải có những kiến thức nền tảng, có khả năng tiếp thu và vận dụng tri thức thành kỹ năng nghề nghiệp để tạo ra những sản phẩm đột phá, nâng cao tính cạnh tranh. Như vậy, việc Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng đối với khu vực và thế giới, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam hiện nay.

2. Đại dịch Covid-19 tác động đến lao động việc làm ở Việt Nam

Đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lao động và việc làm. Đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Kết quả điều tra từ Tổng cục Thống kê cho thấyđến hết năm 2021, tình hình bệnh dịch Covid-19 trở nên phức tạp trên cả nước khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người lao động bị buộc phải rời khỏi thị trường. Số người tham gia lực lượng lao động bị sụt giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo năm 2021 từ Tổng cục Thống , tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của nhóm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhóm sơ cấp đều tăng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của nhóm lao động có trình độ từ trung cấp trở lên giảm so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng này cho thấy lao động không có trình độ hoặc trình độ thấp gặp khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn khi đối mặt với cú sốc về kinh tế - xã hội.

Những thực trạng nói trên đặt ra nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay cần có giải pháp thích ứng để phù hợp trong tình hình mới.

3. Một số giải pháp đào tạo nhân lực trong tình hình HNKTQT và dịch bệnh kéo dài tại trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ

Thứ nhất, Tập trung xây dựng Chương trình Bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và tổ chức thực hiện

Trường đang tập trung xây dựng các Chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề nhằm hỗ trợ cho những người lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm do dịch Covid-19 gây ra có cơ hội chuyển đổi, cập nhật kỹ năng nghề để tìm việc làm mới ổn định cuộc sống.

Căn cứ thế mạnh đào tạo của nhà trường và xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà trường tập trung ưu tiên một số chương trình đào tạo như: Công nghệ ô tô; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin; Công nghệ sản xuất bột giấy và giấy; Kiểm nghiệm bột giấy và giấy; Vận hành xe nâng hàng; Vận hành lò hơi Công nghiệp; Lắp đặt, bảo dưỡng máy điều hòa không khí; Lắp đặt điện công nghiệp; Hàn TIG/MIG/MAX; May công nghiệp.

Thứ hai, tăng cường gắn kết nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo

Sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu trong hoạt động của nhà trường. Với truyền thống là nhà trường trong nhiều năm trực thuộc doanh nghiệp, là thành viên của nhiều Hiệp hội nghề nghiệp đã giúp nhà trường khá thuận lợi trong quan hệ với doanh nghiệp. Luôn bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường đã tích cực, chủ động nắm bắt được các thông tin từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đã tham gia vào nhiều công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người học. Mối tương quan này tạo ra môi trường tuyệt vời cho người học, nhà trường đảm bảo đầu ra cho HSSV, doanh nghiệp chủ động được nguồn cung lao động.

Mặt khác, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhà trường xem doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của nhà trường, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ cao tại doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo. Tại doanh nghiệp, HSSV được đào tạo thực hành trong các điều kiện có sẵn. Chương trình đào tạo tuân thủ các yêu cầu của doanh nghiệp nhưng được xây dựng theo hướng mở, tùy thuộc yêu cầu của từng doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp và có thể cập nhật nội dung đào tạo thường xuyên theo sự thay đổi công nghệ tại doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, HSSV có thể làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian làm quen với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Nhà trường giảm được chi phí đào tạo, chi phí nguyên liệu máy móc thiết bị trong quá trình đào tạo.

Nhà trường cùng với các doanh nghiệp xem nhau như các bạn hàng, hai bên đến với nhau cùng có lợi ích, cùng hợp tác với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Nhà trường đang thực hiện cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và xem đây là hướng đi cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm giúp cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường tại doanh nghiệp. Việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận về hợp tác đào tạo, cung cấp nhân lực, cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp được nhà trường chú trọng. Mỗi năm, nhà trường ký khoảng 40 hợp đồng về các nội dung trên với doanh nghiệp và mang lại nguồn thu đáng kể cho nhà trường.

Trong công tác hỗ trợ HSSV tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã tích cực tổ chức các chương trình gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp với HSSV thông qua chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ để tổ chức Sàn giao dịch việc làm ngay tại trường, tạo điều kiện kết nối, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp với HSSV để trao đổi, phỏng vấn, ký hợp đồng lao động, tuyển lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp và mang lại kết quả rất tích cực.

Thứ ba, tập trung đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhà trường đang tập trung Phát triển chương trình đào tạo chú trọng kỹ năng và thái độ làm việc; Áp dụng phương pháp quản trị tiên tiến trong nhà trường; Đổi mới từ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo; Tăng cường trang thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước trong tình hình dịch bệnh kéo dài.

    ThS. Nguyễn Đăng Toàn

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ