Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp trong Đào tạo nhân lực
tại Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng. Trong thời gian qua, có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến thị trường lao động nói chung như sự thay đổi cơ cấu dân số, việc tái cấu trúc nền kinh tế, việc điều chỉnh chính sách công, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra những thách thức lớn đối với Việt Nam. Tiến trình toàn cầu hóa với việc Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực kinh tế trên thế giới, đặc biệt mới nhất là việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP đã tạo nên những cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam. Những yếu tố nói trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập trong các cơ sở giáo dục nói chung và tại Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ nói riêng.
1. Thực trạng chung về Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ hội nhập
Hiện nay, việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng đã được nhiều cơ sở đào tạo thực hiện khá tốt. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua dù đã có những chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn thấp, thiếu đội ngũ có chuyên môn giỏi, thợ lành nghề trong các lĩnh vực; khả năng tự tìm kiếm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn hạn chế; trình độ ngoại ngữ, tin học của hầu hết người lao động còn thấp; tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn bất cập. Tình trạng này đã và đang hạn chế khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, thực trạng này đang là rào cản lớn với con đường hiện đại hoá và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.
2. Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp tại trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ
Để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập, các cơ sở đào tạo nhân lực nói chung không thể sử dụng mãi phương pháp truyền thống, thiếu tương tác, thiếu thực tiễn mà cần phải chuyển dịch mạnh mẽ từ đào tạo chủ yếu bằng những gì sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên nhà trường đã triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau đây:
2.1. Phát triển chương trình đào tạo chú trọng kỹ năng và thái độ làm việc
Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi. Các trường phải tiếp cận thị trường đào tạo với tinh thần phục vụ tức là đáp ứng tối đa yêu cầu của người học cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp thay vì chỉ đưa ra những gì mình có thì mới hy vọng có thể thành công trong công tác đào tạo nhân lực cho nền kinh tế. Trong đó phải đặc biệt lưu ý đến đào tạo kỹ năng làm việc, ý thức thái độ làm việc cho người học. Trong chương trình đào tạo cần giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành nhiều thời gian hơn cho HSSV thực hành, thực tập, tiến tới đào tạo tại hiện trường để HSSV được tham gia vào hoạt động của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, 100% các nghề đào tạo đã được xây dựng lại chương trình dựa trên cơ sở chuẩn đầu ra được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; Nhà trường đã tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo luôn hướng tới việc tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, lành mạnh, an toàn và thân thiện cho người học. Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, các hoạt động tập thể, hoạt động thiện nguyện để tạo môi trường năng động sáng tạo cho HSSV tham gia.
2.2. Đổi mới từ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ nhà giáo phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và những kỹ năng mềm cần thiết khác. Đến nay, 100% giảng viên nhà trường đã đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học.
Nhà trường định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho nhà giáo; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho nhà giáo tại các doanh nghiệp để các thầy cô hoàn thiện hơn kiến thức thực tế; Dành nhiều thời gian hơn cho công tác nghiên cứu khoa học kết hợp ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
2.3. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại
Trong những năm qua, với nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước và kinh phí tự có, nhà trường đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới đường giao thông, khuôn viên cây cảnh, hệ thống chiếu sáng, khu vui chơi thể thao, mua sắm thiết bị phục vụ đào tạo... Đẩy mạnh việc xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; Nhà trường tiếp tục đề xuất để xây dựng các hệ thống thiết bị ảo mô phỏng và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị cho các nghề đào tạo.
2.4. Gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp
Sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu trong hoạt động của nhà trường. Với truyền thống là nhà trường có trên 35 năm trực thuộc doanh nghiệp, là thành viên của các Hiệp hội nghề nghiệp khác nhau đã giúp nhà trường khá thuận lợi trong quan hệ với doanh nghiệp. Luôn bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường đã tích cực, chủ động nắm bắt được các thông tin từ doanh nghiệp như số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm, thu hút hỗ trợ học bổng cho HSSV, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho tương lai, nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất... Doanh nghiệp đã tham gia vào nhiều công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người học.
Năm học vừa qua, nhà trường đã ký nhiều hợp đồng với nhiều danh nghiệp trên địa bàn để hợp tác về nhiều nội dung như đào tạo nhân lực, tuyển sinh, tuyển dụng lao động, thực tập cho HSSV, hỗ trợ học bổng, hợp tác nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình đào tạo, tư vấn, huấn luyện,… góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và mang lại nguồn thu đáng kể cho nhà trường.
Đào tạo nhân lực tại Công ty Namuga Phú Thọ
Trong quá trình tham gia, doanh nghiệp đã có nhiều góp ý cho nhà trường về chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn công việc của doanh nghiệp. Nhà trường giảm được chi phí đào tạo, chi phí nguyên liệu máy móc thiết bị trong quá trình đào tạo, đồng thời dần hoàn thành chương trình đào tạo của mình cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Mối tương quan này tạo ra môi trường tuyệt vời cho người học, nhà trường đảm bảo đầu ra cho HSSV, doanh nghiệp chủ động được nguồn cung lao động.
Mặt khác, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhà trường xem doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của nhà trường, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, HSSV có thể làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian làm quen với môi trường làm việc tại doanh nghiệp.
Hướng dẫn thực hành Vận hành xe nâng hàng tại doanh nghiệp
Ở doanh nghiệp, HSSV được đào tạo thực hành trong các điều kiện có sẵn. Với mô hình này, một số doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động và đưa về trường để đào tạo ngay từ đầu. Chương trình đào tạo tuân thủ các yêu cầu của doanh nghiệp nhưng được xây dựng theo hướng mở, tùy thuộc yêu cầu của từng doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp và có thể cập nhật nội dung đào tạo thường xuyên theo sự thay đổi công nghệ tại doanh nghiệp.
Trong công tác hỗ trợ HSSV tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã tích cực tổ chức các chương trình gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp với HSSV thông qua chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhà trường đã và đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ để tổ chức Sàn giao dịch việc làm ngay tại trường, nhằm tạo điều kiện kết nối, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp với HSSV để trao đổi, phỏng vấn, ký hợp đồng lao động, tuyển lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp và mang lại kết quả rất tích cực.
3. Kết luận
Hoạt động hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay của đất nước. Nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.
Bài viết: Ban biên tập Website trường: ngày 19/4/2023